Tp.HCM tìm giải pháp thúc đẩy tỷ lệ giải ngân đầu tư công

03/06/2022 13:05

Tại cuộc họp kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, UBND Tp.HCM xác định công tác giải ngân đầu tư công còn nhiều hạn chế, cần giải pháp tháo gỡ.

Chiều 2/6, tại cuộc họp báo sau phiên họp kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm vào sáng cùng ngày, ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND Tp.HCM cho biết, địa phương xác định chỉ tiêu giải ngân cuối năm đạt trên 95% nhưng thủ tục đang chậm.

“Trong cuộc họp sáng nay, Sở Kế hoạch – Đầu tư dự báo 6 tháng sẽ giải ngân được 40%. Dự báo có thể đạt được hoặc không nhưng UBND Tp.HCM và các đơn vị đang nỗ lực tối đa để đạt mục tiêu 95% vào cuối năm”, ông Toàn nói.

Đồng thời, người phát ngôn của UBND Tp.HCM cũng cho biết, khối lượng công việc thực hiện và kết quả giải ngân khi thống kê cùng thời điểm có thể chênh lệch nên cần đợi hết năm 2022 để tổng kết chính xác.

Kinh tế vĩ mô - Tp.HCM tìm giải pháp thúc đẩy tỷ lệ giải ngân đầu tư công

Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND Tp.HCM tại họp báo.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư Tp.HCM, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Tp.HCM thấp hơn so với cùng kỳ do nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chủ yếu là ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021.

Trong khi đó, việc tái khởi động thi công các dự án các tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định sau thời gian thành phố thực hiện ứng phó với tình hình dịch Covid-19; chi phí đầu vào tăng cao.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Tp.HCM cung cấp, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của thành phố đã giải ngân đến ngày 25/5 là 4.322,653 tỷ đồng, chỉ đạt tỉ lệ 13,5% tổng kế hoạch vốn giao.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Thị Thắng nhìn nhận “tỷ lệ này rất thấp và không có chuyển biến gì”.

Lý giải về việc này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho Bạc Nhà nước Tp.HCM cho biết, qua theo dõi toàn TP thì khối lượng nghiệm thu thực tế trên các công trường chậm. Trong đó nguyên nhân là do ảnh hưởng từ tình hình Ukraina, giá xăng dầu tăng mà cụ thể mà giá xăng trong nước tăng 11 lần (tăng hơn 30%); từ đó ảnh hưởng đến tất cả loại giá vật liệu đầu vào của ngành xây dựng.

Theo ông Hải, các nhà thầu trúng thầu theo hợp đồng có quan ngại nếu tiếp tục “càng làm thì càng lỗ” nên có tâm lý làm cầm chừng, chờ có chính sách giá điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và điều chỉnh giá hợp đồng vì hiện họ làm càng nhanh thì càng lỗ.

Bên cạnh đó, đặc thù của các công trình xây dựng cơ bản là đến những tháng đầu năm 2022 mới được giao kế hoạch vốn; do đó đến tháng 4, tháng 5/2022, các kế hoạch như mời thầu, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thẩu… mới được triển khai nên giá trị giải ngân thấp.

Còn đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM đánh giá, tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ do chủ yếu là ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021, việc tái khởi động thi công các dự án các tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định sau thời gian Tp.HCM thực hiện ứng phó với tình hình dịch; chi phí đầu vào tăng cao.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Thống kê Tp.HCM Nguyễn Khắc Hoàng nêu ý kiến: “Để kinh tế tăng trưởng bền vững cần thực hiện hiệu quả việc sử dụng tài sản trên cơ sở tăng cường thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công”.

Theo ông Hoàng, những năm gần đây đóng góp trong GDP về vốn đầu tư công của Tp.HCM đang giảm dần. Vì vậy, đề nghị cần đặt ra việc giải ngân là nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế. Tp.HCM phải chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải ngân, có đề nghị tỉ lệ điều tiết ngân sách phù hợp tạo động lực cho địa phương.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết "Tp.HCM tìm giải pháp thúc đẩy tỷ lệ giải ngân đầu tư công" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com