Tp.HCM: Quy hoạch nhà máy giết mổ, vì sao cứ loay hoay?

29/03/2023 14:45

Từ khi có chủ trương đến nay đã 10 năm, việc quy hoạch các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm của Tp.HCM vẫn chưa được như kỳ vọng.

10 năm trễ hẹn

Theo quyết định của UBND Tp.HCM, ngày 31/3 là thời hạn cuối cùng của hoạt động giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn để hoàn tất công tác di dời về các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm.

Để đảm bảo việc triển khai thực hiện chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc thủ công theo đúng tiến độ, UBND Tp.HCM giao Sở NN&PTNT tham mưu phương án điều chỉnh thời gian hoàn thành các nhà máy giết mổ công nghiệp và thời gian hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hiện hữu trên địa bàn Tp.HCM.

Đồng thời, Sở này cần chủ trì, phối hợp với các địa phương làm việc với các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn Tp.HCM báo cáo, đề xuất UBND Tp.HCM có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án, nhằm nâng dần công suất giết mổ công nghiệp, đảm bảo trong năm 2023 các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp phải hoạt động đạt từ 80 - 100% công suất theo thiết kế.

Điều đáng nói, đây là lần gia hạn thứ 6 của kế hoạch chấm dứt hoạt động giết mổ thủ công và chuyển sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động này của Tp.HCM. Và tính từ thời hạn đầu tiên là cuối năm 2013 thì quá trình này đã loay hoay tới 10 năm.

giet-mo-1-1679986892.jpg
 

Là chủ đầu tư nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ tại huyện Củ Chi, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ băn khoăn: “Hiện nay, đã xuất hiện tình trạng các thương lái di chuyển về các tỉnh lân cận để giết mổ, như huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Điều này sẽ dẫn tới một nghịch lý là trong khi Tp.HCM ra lệnh đóng cửa tất cả các cơ sở giết mổ thú công trong thành phố, đồng nghĩa thì các sản phẩm thịt được giết mổ từ các lò thủ công ở các tỉnh lân cận lại được vận chuyến ngược về Thành phố đế cung cấp cho người dân và Thành phố lại cho phép tiếp nhận và tiêu thụ nguồn thịt này”.

Thêm nữa, các “điểm nóng” giết mổ gia súc, gia cầm trái phép như ở khu Tân Sơn, quận Gò Vấp hay khu Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh vẫn chưa được xử lý triệt để cũng khiến các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ hiện đại trên địa bàn Tp.HCM lo ngại.

Thịt sạch, thịt lậu khó phân biệt

Những lo lắng này của doanh nghiệp là có sơ sở khi đầu tháng 3/2023, đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM thông tin “lượng thịt heo nhập vào Tp.HCM từ các cơ sở giết mổ các địa phương khác rất lớn, đặc biệt trong đó, khoảng 44% lượng thịt nhập về có nguồn gốc từ tỉnh Long An”.

Tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Tp.HCM vào hồi cuối tháng 2/2023, bà Lê Đinh Hà Thanh, Phó Chi Cục Trưởng Chi cục Thú y và chăn nuôi, Sở NN&PTNT Tp.HCM cho biết, địa phương có 6 nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung ở huyện Củ Chi (nhà máy giết mổ Lộc An, Công ty giết mổ An Hạ, nhà máy giết mổ VISSAN, nhà máy giết mổ thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), huyện Hóc Môn (2 nhà máy giết mổ thuộc Công ty cổ phần thực phẩm Hóc Môn).

Riêng gia cầm sẽ chuyển cơ sở giết mổ An Nhơn, quận Gò Vấp về huyện Củ Chi, dự kiến sẽ thực hiện vào cuối năm 2023.

Như vậy, hiện nay Tp.HCM còn 7 cơ sở giết mổ thủ công. Quy trình giết mổ thủ công ở Tp.HCM vẫn đảm bảo các điều kiện vệ sinh, được các cơ quan chức năng quản lý, giám sát. Do đó, các sản phẩm đưa ra từ những cơ sở giết mổ này vẫn được các cơ quan chức năng cho phép lưu thông trên địa bàn cả nước.

Tuy nhiên, với mục tiêu xu hướng đô thị hóa cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong khu đô thị, Tp.HCM đã từng bước chuyển dần sang các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung nhằm giúp cho công tác kiểm tra, kiểm soát được hiệu quả hơn.

Để triển khai việc này, Tp.HCM đã ban hành nhiều kế hoạch, trong đó có kế hoạch nâng cao công suất của các nhà máy công nghiệp. Địa phương có tổ công tác hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các nhà máy giết mổ công nghiệp. Tổ công tác này cũng hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ thực hiện các thủ tục.

Nhưng nếu không có giải pháp và thực hiện quyết liệt thì tình trạng bất cập trong chủ trương hiện đại hóa hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm của Tp.HCM sẽ giống như tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, theo quyết định của UBND Tp.Biên Hòa thì đến ngày 6/8/2022, toàn bộ 14 cơ sở giết mổ thủ công nằm ngoài quy hoạch buộc phải ngừng hoạt động. Thế nhưng đến nay, phần lớn các cơ sở vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, một số cơ sở bị lập biên bản xử phạt giết mổ trái phép nhưng sau đó vẫn hoạt động công khai trở lại.

Do đó, khi các nhà máy nỗ lực cung ứng thịt gia súc, gia cầm đạt an toàn vệ sinh nhưng tình trạng giết mổ lậu, thủ công vẫn tràn lan thì sẽ là sự lãng phí lớn về nguồn lực của doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng.

Thanh Phong
Bạn đang đọc bài viết "Tp.HCM: Quy hoạch nhà máy giết mổ, vì sao cứ loay hoay?" tại chuyên mục Tin tức. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com