Tp.HCM: Khi nào có giải pháp cho nhà vệ sinh công cộng?

25/03/2023 09:02

Tp.HCM đang lên kế hoạch xây mới nhiều nhà vệ sinh công cộng theo hướng hiện đại, đảm bảo các yêu cầu về tiện ích, mỹ quan đô thị, thân thiện môi trường.

Cải thiện hình ảnh văn minh cho Tp.HCM

Một vấn đề nóng tại Tp.HCM từ giữa tháng 3 đến nay là nhà vệ sinh công cộng.

Địa phương với dân số trên 10 triệu dân nhưng chỉ có hơn 200 nhà vệ sinh công cộng. Trong đó, ngay tại khu vực trung tâm, trên địa bàn quận 1 chỉ có 18 nhà vệ sinh công cộng đang hoạt động ở 13 điểm công cộng gồm 4 chợ, 7 công viên, 1 trạm xe buýt và 1 khu dân cư.

Hầu hết các quận/huyện trong Thành phố này, việc bố trí nhà vệ sinh công cộng còn ít và hiếm hơn.

Đã thiếu lại xuống cấp, nhiều nhà vệ sinh hư hỏng nặng nhưng không sửa chữa, phục vụ trong tình trạng rò rỉ nước, van xả nước bị hư nên phải bơm nước thủ công, không giấy lau, không xà bông, không được chùi rửa nên rất mất vệ sinh. Chưa kể cửa then đều cái hư cái hỏng, đường vào nhà vệ sinh công cộng thì vừa xa, vừa khó tìm vừa phức tạp, đầy bất an.

Và thực tế đó đã lọt vào bảng xếp hạng theo một khảo sát của QS Supplies được công bố cuối tháng 01/2023 trên báo Nikkei Asia khi Tp.Hà Nội và Tp.HCM lần lượt xếp vị thứ 66-67/69 thành phố du lịch trên toàn thế giới về điều kiện nhà vệ sinh công cộng.

Dân sinh - Tp.HCM: Khi nào có giải pháp cho nhà vệ sinh công cộng?

UBND quận 1 đang chỉnh trang nhà vệ sinh công cộng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên.

Làm việc với Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên hôm 19/3, đại diện UBND quận 1 cho biết, trong tháng 3, địa phương đã vận động 100 hàng, quán tại 10 phường treo biển hiệu hướng dẫn, hỗ trợ người dân dùng nhà vệ sinh miễn phí. Đây là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như: cà phê Highlands, Trung Nguyên, King, Katinat, Thức; nhà hàng Dìn Ký, bia tươi Hozzizon...

Thời gian tới, quận tiếp tục vận động các hộ kinh doanh và thông tin mạng lưới nhà vệ sinh miễn phí để người dân, du khách dễ dàng tiếp cận.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh, khó khăn lớn nhất hiện nay là quận không có quỹ đất để làm nhà vệ sinh công cộng. Do đó, hiện chỉ có 18 khu vệ sinh công cộng tại 13 địa điểm, gồm: 4 chợ, 7 công viên, một trạm xe bus và một khu dân cư.

“Trước đây, một số doanh nghiệp đề xuất đầu tư xây nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hoá. Tuy nhiên, vị trí nhà đầu tư mong muốn không phải nơi quận cần lắp đặt nhà vệ sinh. Ngoài ra, tỷ lệ diện tích phục vụ vệ sinh công cộng so với kinh doanh thu hồi vốn khá thấp, khoảng 10-20%”, ông Vinh nói.

Bên cạnh đó, các đơn vị đầu tư băn khoăn khi bỏ chi phí đầu tư ban đầu nên muốn có nguồn thu từ khai thác quảng cáo và kinh doanh, buôn bán (mang đi) để bù đắp. Họ cũng đề nghị chính quyền cần cam kết thời gian nhất định để doanh nghiệp đầu tư, chứ không thu hồi trong thời gian quá ngắn.

Về giải pháp, quận 1 đề xuất Tp.HCM cho mượn 5 vị trí đất thuộc các dự án chưa thực hiện trong 3-5 năm tới (mỗi dự án 7 m2) để làm nhà vệ sinh công cộng; đồng thời cấp ngân sách để xây 5 nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm với tổng chi phí xây dựng 2,5 tỷ đồng và chi phí vận hành khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Tp.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, nhà vệ sinh công cộng là công trình phụ, nhưng phục vụ nhu cầu sống cơ bản của con người. Ông ví von nếu coi Tp.HCM như một ngôi nhà cho 10 triệu dân, thì phải làm sao nhà vệ sinh để lại ấn tượng đẹp cho cả người dân và du khách.

Do đó, trước mắt để giải quyết vấn đề thiếu nhà vệ sinh công cộng, người đứng đầu Thành uỷ Tp.HCM thống nhất cho xây dựng, quản lý nhà vệ sinh công cộng theo hình thức đầu tư công. Sau đó, Thành phố này từng bước xã hội hoá, kết hợp vận động các hộ kinh doanh hỗ trợ như sáng kiến của quận 1.

Theo ông Nên, về lâu dài Tp.HCM cần bổ sung quy hoạch cho loại công trình phụ này nếu cần thiết. Các nhà vệ sinh cần có tiêu chí, đảm bảo chất lượng và chia thành các giai đoạn để đầu tư. Vị trí xây dựng các công trình này phải đặt theo nhu cầu của người dân, nơi du khách đông số lượng phải dày hơn.

"Dù chúng ta có nhiều chính sách về vấn đề này nhưng rõ ràng là chưa đặt lên ưu tiên. Từ nay đến 30/4 phải có chuyển biến cơ bản", ông Nên nói và giao UBND Tp.HCM nghiên cứu xây dựng loại hình nhà vệ sinh cố định, tăng cường loại di động.

Cần quy hoạch và giải pháp quản lý

TS.Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường Tp.HCM chia sẻ: “Tp.HCM hoặc các đô thị khác cần định hướng quy hoạch xây dựng nhà vệ sinh công cộng phân theo vùng nội thành và ngoại thành: nội thành thì gắn với các công viên, khu vui chơi, trung tâm thương mại, bến xe cùng với các cây xăng; ngoại thành thì dựa trên khoảng cách địa giới hành chính. Tuy vậy, cần có cơ chế rõ ràng cho việc tự quản hoặc không tự quản”.

Bên cạnh đó, ông Thuận cho rằng, cần xã hội hóa khi ngân sách dành cho việc này khá khó khăn. Có thể nghiên cứu giao cho các đơn vị công ích quận huyện hoặc công ty môi trường đô thị làm chủ đầu tư trên định hướng xã hội hóa nhằm duy trì hoạt động và thu hồi nguồn vốn, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho chủ đầu tư có thể tiếp cận phát triển.

Nhà vệ sinh ở đô thị rất quan trọng cả về hình thức lẫn chất lượng, do đó cần có quy định màu sắc, kích thước, quy mô và đặc biệt là có thể di chuyển dễ dàng, lắp đặt mà không cần quy hoạch theo tiêu chuẩn đô thị. Ngoài ra cần hướng dẫn người dân nhận biết nơi đặt nhà vệ sinh công cộng, hiện nay có thể dùng cả trên các trang web, thậm chí tạo app.

Dân sinh - Tp.HCM: Khi nào có giải pháp cho nhà vệ sinh công cộng? (Hình 2).

Tp.HCM sẽ quy hoạch lại công tác xây dựng, quản lý nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn.

Còn TS.Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Tp.HCM chỉ ra, nhiều người nước ngoài đánh giá, TP.HCM có tất cả mọi thứ tốt đẹp từ các dịch vụ ăn uống, mua sắm, chỉ có thứ thiếu nhất là nhà vệ sinh công cộng. Không chỉ thiếu, nhà vệ sinh lại còn đặt ở những vị trí không thuận lợi và lại rất "thiếu vệ sinh".

“Tôi cho rằng Tp.HCM và các đô thị cần nhanh chóng tăng số lượng nhà vệ sinh lên, đặc biệt là ở những khu vực đông người qua lại. Để làm được như vậy, có thể giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch thống nhất trên toàn Thành phố từ kinh phí ngân sách hoặc xã hội hóa. Hoặc khả thi hơn là giao chỉ tiêu cho các quận huyện điều tra, lên phương án thông qua thành phố để xây dựng, quản lý, đảm bảo đầy đủ nguồn điện, nước”, ông Nguyên đề xuất.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hồng Ngọc, Khoa Kiến trúc Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng phân tích: “Một trong những yêu cầu đối với nhà vệ sinh công cộng là phải có địa điểm hợp lý. Cần bố trí ở những nơi có lượng dân di chuyển lớn; nơi có nhiều hoạt động sẽ trở nên an toàn hơn, đặc biệt với phụ nữ và những người yếu thế”.

Ví dụ nếu bố trí nhà vệ sinh công cộng trong công viên nên bố trí bên rìa chứ không phải nằm hẳn trong công viên. Hoặc bố trí kề bên trạm dừng xe buýt, sạp bán báo...

Việc xây dựng và duy trì các nhà vệ sinh công cộng phải được xem là một ưu tiên đối với các đô thị như Tp.HCM, bởi nó chính là một phần của chiến lược xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, để lắp đặt, nâng cấp nhà vệ sinh công cộng cần phải có quy hoạch tổng thể, khảo sát, cân đối nguồn lực và kêu gọi đầu tư xã hội hóa.

"Nhà vệ sinh công cộng ở các nước người ta có thể nhận quảng cáo để thu tiền. Ví dụ, nhà vệ sinh công cộng mà lắp đặt của hãng A thì chúng ta quảng cáo cho hãng này. Hoặc đèn, cửa, bồn rửa tay, thậm chí là nước rửa tay chúng ta sử dụng của hãng nào thì quảng cáo luôn cho hãng đấy để họ tài trợ và đây là điều rất quan trọng nhằm kêu gọi xã hội hóa", ông Tùng đưa ra ví dụ.

Ngoài việc lắp đặt thêm nhà vệ sinh công cộng thì cần phải nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng dịch vụ bằng cách thu phí. Bởi khi thu phí sẽ khiến người dùng cảm thấy có ý thức, trách nhiệm hơn và tiền thu được không "bỏ túi" của cá nhân nào mà để trả cho người trông coi.

Thêm nữa, cần phải chọn địa điểm đặt nhà vệ sinh công cộng ở những nơi dễ tìm nhưng không lộ quá gây mất mỹ quan.

Chính quyền Tp.HCM từng đưa ra nhiều chính sách phát triển, nâng cấp chất lượng nhà vệ sinh công cộng. Năm 2014, Thành phố này có thêm 3 nhà vệ sinh công cộng với tiêu chuẩn 4-5 sao ở các công viên Tao Đàn, 23 Tháng 9 và Lê Văn Tám (quận 1) do một ngân hàng đầu tư. Năm 2016, Tp.HCM triển khai đề án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng nhưng đến nay chưa thực hiện được. Toàn Thành phố hiện có hơn 250 nhà vệ sinh công cộng.

Việt Anh
Bạn đang đọc bài viết "Tp.HCM: Khi nào có giải pháp cho nhà vệ sinh công cộng?" tại chuyên mục Tin tức. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com