Ngành dệt may sẽ gặp khó khăn từ quý IV/2022 cho đến nửa đầu 2023

Các công ty dệt may sẽ gặp khó khăn về đơn đặt hàng từ quý IV/2022 cho đến tháng 6/2023 do ảnh hưởng của lạm phát và hàng tồn kho mức cao của khách hàng.

Trao đổi PV, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trước những ảnh hưởng lạm phát trên thế giới, các doanh nghiệp dệt may sẽ gặp khó khăn từ quý IV/2022, dự kiến ảnh hưởng kéo dài tới quý I/2023, thậm chí nửa đầu năm 2023.

Mặc dù vậy, ông Giang cho biết, tình hình xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một nỗ lực rất lớn đối với ngành dệt may Việt Nam trước những sức ép về thị trường trên thế giới.

Ông Giang phân tích: “Thứ nhất, nếu trước đây chúng ta chỉ chăm chú vào 5 thị trường truyền thống thì hiện các doanh nghiệp ngành dệt may đang chuyển dịch sang nhiều thị trường mới”.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt thích ứng trong bối cảnh nhiều đơn hàng có tính chuyên môn hóa cao như sản phẩm đồ jean, đồ kaki các loại, đồ thun… đều bị thiếu đơn hàng, có doanh nghiệp thiếu đến 35%, thì đến nay các doanh nghiệp đã chuyển từ mặt hàng dệt kim sang dệt thoi một cách nhanh chóng.

Thứ ba, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cũng đã thích ứng nhanh trong việc đầu tư dây chuyền, thiết bị công nghệ tự động hóa, thích ứng được cơ cấu mặt hàng thay đổi để đầu tư dệt kim sang dệt thoi.

Thứ tư, trước những áp lực lạm phát trên toàn cầu khiến lượng đơn hàng giảm sút, thể hiện rõ ở quý III và gây nhiều áp lực lên quý IV, các doanh nghiệp đã chủ động sắp xếp lại cơ cấu lao động và sản lượng sản xuất.

Theo đó, một số doanh nghiệp đã giảm giờ làm, không tăng ca để vừa duy trì được nguồn lao động, lương của nhân viên vừa đủ các đơn hàng, tránh lãng phí không đáng có.

Thứ năm, các doanh nghiệp Việt đã mạnh dạn mở rộng thị trường, tiến tới mô hình đa quốc gia. Hiện nay, chúng ta đã tập trung phát triển được 26/27 quốc gia trong khối EU.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê thể hiện, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng dệt may Việt Nam (bao gồm xơ, sợi, vải các loại) trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 32,9 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ngành hàng này đã bắt đầu có dấu hiệu "ngấm đòn" bởi lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu khi kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đã giảm gần 1,2 tỷ USD tương ứng với mức giảm 27% so với tháng 8, xuống chỉ còn 3,2 tỷ USD.

Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất của ngành dệt may kể từ tháng 3/2022 đến nay, thậm chí nếu không tính tháng 2 bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thì đây sẽ là tháng có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

det-may-16-1664812558.jpg
 

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu dệt may trong thời gian tới, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm do ảnh hưởng bởi lạm phát và nhu cầu giảm sút.

"Nếu 8 tháng đầu năm bình quân mỗi tháng chúng ta có thể xuất 3,7 - 3,8 tỷ USD/tháng thì dự kiến 4 tháng cuối năm tình hình thị trường chỉ có thể xuất 3,1 - 3,2 tỷ USD", ông Trường nhận định.

Theo đại diện của Vinatex, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh trong khi nhu cầu lại thấp. Chính vì vậy, 4 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 thị trường được dự báo khá trầm lắng.

Mặt khác, biến động tỷ giá USD/VND cũng khiến nhiều nhà xuất khẩu dệt may gặp khó khăn. Hiện, hầu hết công ty dệt may đều ghi nhận doanh thu bằng USD nhưng nhiều chi phí của họ cũng được tính bằng USD. Do đó trong quý II, nhiều công ty đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá.

Khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, trong khi tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2022, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Dương Ánh

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/nganh-det-may-se-gap-kho-khan-tu-quy-iv2022-cho-den-nua-dau-2023-a12781.html