Du lịch Việt Nam năm 2022: Khó kỳ vọng vào 5 thị trường lớn

5 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho việc đi du lịch, ngoài ra những chính sách về thị thực, y tế cũng là lý do cản trở.

Ngày (6/5), nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban IV vừa có công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình mở cửa du lịch quốc tế và một số vấn đề đặt ra sau thời gian một tháng mở cửa nhằm đạt được các mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 3/2022, Việt Nam đón được 15.000 lượt khách du lịch quốc tế, tháng tư đón được 80.000 lượt khách. Tính chung 4 tháng đầu năm đón được 102.358 lượt.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê, số khách quốc tế đạt 41.700 lượt; Quý I đạt gần 91.000 người, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 82.300 lượt người, chiếm gần 90,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Như vậy, để đạt được mục tiêu năm 2022 là Việt Nam đón được trên 5 triệu lượt khách quốc tế. Báo cáo đặt giả định tỉ lệ phục hồi tăng dần qua các tháng và ước tính sao cho đến tháng 12/2022, chúng ta đón được tổng số 5 triệu lượt khách như dự kiến.

Cụ thể, số lượt khách tới qua các tháng từ tháng 3 đến tháng 12 lần lượt như sau: 40.000; 160.000; 200.000; 335.000; 465.000; 645.000; 695.000; 760.000; 835.000; 865.000.

Các chuyên gia đánh giá rằng, so với con số khách vào 4 tháng đầu năm thì chúng ta mới đạt được 50% số ước tính để đạt được chỉ tiêu.

Sự kiện - Du lịch Việt Nam năm 2022: Khó kỳ vọng vào 5 thị trường lớn

Du lịch Việt Nam đang dần phục hồi

Mở cửa đúng thời điểm nhưng vẫn chậm so với thế giới

Ban IV đã chỉ nguyên nhân du lịch mở cửa chưa đạt được kỳ vọng. Là yếu tố khánh quan, nhưng cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraine gây thiệt hại cho ngành du lịch. Việt Nam mất thị trường du khách Nga và Ukraina.

Ngoài ra, giá thành các chuyến du lịch tăng cao cộng với thu nhập khả dụng của du khách bị giảm do lạm phát cao ảnh hưởng đến số khách đặc biệt là từ Châu Âu.

Hơn nữa các lo ngại về an ninh, an toàn khi đi du lịch cũng làm giảm sự tự tin của nhiều thị trường quan trọng với Việt Nam.

Việt Nam cũng khó có thể kỳ vọng vào các thị trường lớn truyền thống do họ chưa sẵn sàng đi du lịch. Điển hình như Trung Quốc chưa mở cửa cho du lịch vì chiến lược ZeroCovid; Hàn Quốc chỉ thật sự mở cửa cho du lịch ra nước ngoài (không phải cách ly khi quay về) từ 01/04/2022.

Phía Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay vẫn đang áp dụng chính sách cách ly khi khách du lịch quay về từ một số quốc gia.

Các thị trường chiếm thị phần lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga được dự báo không hồi phục trong năm 2022.

Bên cạnh đó, thời điểm mở cửa rơi vào cuối mùa cao điểm của du lịch inbound và thiếu sự chuẩn bị cần thiết trước đó một vài tháng để thu hút và xây dựng niềm tin cho các thị trường gửi khách. Tuy nhiên, các nước khác trong khu vực có kế hoạch mở cửa khá bài bản. Điển hình như Thái Lan.

Về nguyên nhân chủ quan, báo cáo của Ban IV đánh giá sự kiện truyền thông và xúc tiến của du lịch Việt Nam ở nước ngoài chưa được đẩy mạnh.

Hiện nay, việc truyền thông và cung cấp thông tin cho các đối tác quốc tế chủ yếu là các doanh nghiệp tự thực hiện.

Các trang mạng xã hội của du lịch Việt Nam chưa được cập nhật thường xuyên. Nếu so với các quốc gia cạnh tranh, lượng bài đăng của du lịch Việt Nam trên các trang mạng xã hội chưa nhiều, cần được cập nhật thường xuyên hơn.

Trang web vietnam.travel được xem là trang chính thức sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để giới thiệu về du lịch Việt Nam. Lượng khách quốc tế truy cập trang vietnam.travel luôn luôn đạt mức trên 80% kể từ khi được thiết lập. Tuy nhiên, nếu so sánh các chỉ số phân tích trang web với các quốc gia cạnh tranh thì chỉ số của Việt Nam vẫn còn thấp hơn.

Chính sách bất cập, gây cản trở cho khách quốc tế

Các quy định về y tế của Việt Nam chưa thật sự thuận lợi cho khách, bao gồm xét nghiệm, sử dụng ứng dụng PC-Covid, bảo hiểm du lịch cho tới quy định 5K3…

Hiện nay, một số yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam đang thể hiện sự bất cập. Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã dỡ bỏ quy định phải xét nghiệm Covid-19 trước khi xuất cảnh.

Chúng ta chưa có quy định rõ ràng và chi tiết về việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng ngoài trời và trong phòng.

Các chính sách thị thực còn một số bất cập và chưa thực sự được áp dụng như trước khi xảy ra đại dịch. Những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Thực tế hiện nay, thị thực nhận tại cửa khẩu vẫn phải cần giấy “chấp thuận visa”, cần nhiều loại giấy tờ thủ tục nhiêu khê hơn so với trước Covid-19.

Thị thực điện tử (e-visa) chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối.

So sánh với Thái Lan, nước này đã bỏ quy định yêu cầu khách phải xét nghiệm trước khi nhập cảnh. Do đó, Thái Lan sẽ vượt trội hơn Việt Nam trong những tháng tới do có sự chuẩn bị điểm đến và chiến lược rõ ràng và linh hoạt.

Báo cáo nhấn mạnh, trong năm 2022, Việt Nam cần có những quyết định mang tính đột phá và đi trước các nước trong khu vực để dành lại vị thế cạnh tranh. Ngoài ra, thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 là thời gian phù hợp để chúng ta đẩy mạnh truyền thông và tiếp thị các thị trường gửi khách.

Sự kiện - Du lịch Việt Nam năm 2022: Khó kỳ vọng vào 5 thị trường lớn (Hình 2).

Chính sách thị thực còn nhiều bất cập

Về chính sách thị thực, mặc dù Chính phủ đã khôi phục lại chính sách thị thực cho 24 nước như trước khi có dịch xảy ra.

Nhưng số lượng này là quá ít so với các nước khác trong khu vực và phần lớn các quốc gia được hưởng chế độ miễn thị thực 15 ngày.

Tuy nhiên, xu hướng sau Covid-19 khách du lịch thường lưu trú ở một điểm đến dài ngày hơn so với trước đây. Những khách từ thị trường xa (Châu Âu, Bắc Mỹ, Nga, Úc…) thường đi du lịch Việt Nam từ 18-21 ngày.

Bên cạnh đó, nhiều khách có nhu cầu kết nối điểm đến Việt Nam với các điểm đến lân cận như Lào và Campuchia rồi lại quay lại Việt Nam ở cuối tour để nghỉ biển.

Trong trường hợp này, khách không được hưởng chế độ miễn thị thực nữa nên khách phải xin cấp thị thực mới vào Việt Nam, làm phát sinh thêm chi phí và phiền phức cho khách.

Ngoài ra báo cáo cũng chỉ ra, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường chi phối trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Vì vậy, để đảm bảo phát triển bền vững, Chính phủ đã xác định cần phải đa dạng hóa các thị trường nguồn và đầu tư vào các chiến dịch tiếp thị. Như vậy, đây là một thách thức đối với việc tìm kiếm thị trường nguồn gửi khách thay thế các thị trường bị mất.

 

Nguyễn Hoa Trà

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/du-lich-viet-nam-nam-2022-kho-ky-vong-vao-5-thi-truong-lon-a11107.html