Sập bẫy lừa đảo trên mạng: Chiêu trò phổ biến và hồi chuông cảnh báo

Nắm bắt nhu cầu tìm việc của người lao động, các đối tượng đã sử dụng chiêu thức tuyển dụng để lừa đảo trên MXH. Rất nhiều người đã bị lừa đến hàng trăm triệu đồng.

Những con số gây sốc

Tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, tình hình lừa đảo trực tuyến trở nên phức tạp với những con số thiệt hại ngày càng lớn, từ các thẻ cào mệnh giá vài trăm ngàn đồng nạp cho kẻ giả mạo đến hàng trăm triệu đồng chuyển khoản ngân hàng vì tin rằng “người thân” đang gặp sự cố khẩn cấp. Bên cạnh đó, có không ít nạn nhân là người lao động bị "sập bẫy" các chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội, trong đó chủ yếu là làm cộng tác viên bán hàng online cho các sàn thương mại điện tử.

Trao đổi với Công an Nhân dân, Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an Tp.Huế (Thừa Thiên - Huế) cho biết, từ đầu tháng 3/2022 đến nay, công an các phường và Công an Tp.Huế liên tục nhận được trình báo của các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng xã hội sau khi đồng ý kết bạn, làm cộng tác viên bán hàng online.

Với thủ đoạn này, có nạn nhân bị lừa số tiền đến 700 triệu đồng. Ngoài ra, hàng chục nạn nhân khác cũng bị lừa đảo chiếm đoạt từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Điển hình như chị H. (SN 1992, trú tại Tp.Huế) được đối tượng lừa đảo mời làm cộng tác viên chạy quảng cáo cho các sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee... Vì nhẹ dạ, chị đồng ý và được hướng dẫn làm nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng để được hưởng tiền hoa hồng. Mỗi ngày chị có từ 5 - 10 nhiệm vụ với số tiền thưởng từ 30 - 50 nghìn đồng, tùy vào nhiệm vụ. Sau một thời gian ngắn tham gia, chị đã thanh toán nhiều đơn hàng, tổng số tiền hơn 700 triệu đồng và được hứa sẽ nhận cả tiền gốc và tiền chiết khấu khoảng hơn 1 tỷ đồng. Nhưng sau đó chị H. chờ “dài cổ” vẫn không nhận được tiền gốc và phần chiết khấu. Biết mình bị lừa, chị H. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Tương tự, chị X. (SN 1983, trú tại phường Vỹ Dạ, Tp.Huế) cũng nhận được một lời mời quảng cáo làm cộng tác viên bán hàng của một sàn thương mại điện tử. Đồng ý tham gia, chị kết bạn Zalo với một người và được hướng dẫn làm nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng để được hưởng tiền hoa hồng. Theo các đối tượng, với mỗi đơn hàng, cộng tác viên sẽ được hưởng chênh lệch 10-20%. Chị X. đã thanh toán nhiều đơn hàng với tổng số tiền hơn 150 triệu đồng nhưng không nhận lại được tiền gốc và phần chiết khấu...

Một trường hợp khác là chị P.D.H. ở Tp.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cũng làm cộng tác viên bán hàng online và bị lừa mất hơn 100 triệu đồng. "Họ đưa cho mình những mặt hàng như mũ nón, giày dép... rồi đánh lừa giống như đang tương tác với một trang bán hàng.

Bước đầu chỉ nộp 120.000 đồng, sau đó họ mời mình vào "phòng VIP" để có thu nhập cao hơn. Mình chuyển vào 5 triệu đồng thì họ lại nói phải hoàn thành thêm ba nhiệm vụ nữa. Mình tin và làm theo vì họ lập riêng một nhóm chat có rất nhiều tương tác", chị H. chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.

Kết quả, chỉ trong một ngày số tiền chị H. đã nộp vào nhóm bán hàng này là hơn 178 triệu đồng nhưng không thể lấy lại được. Chị H. suy sụp tinh thần vì mất nhiều tiền cho các đối tượng lừa đảo. Chị mong những người khác không bị lừa giống như mình.

Thế nhưng một số đối tượng lừa đảo vẫn quảng cáo rầm rộ, công khai trên mạng xã hội, thậm chí không ngại quay cả video để mời chào tuyển nhân viên, cộng tác viên bán hàng.

Toàn cảnh - Sập bẫy lừa đảo trên mạng: Chiêu trò phổ biến và hồi chuông cảnh báo

Một fanpage giả mạo Tiki. Ảnh: Thanh Niên

Ngày 27/4, đại diện sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, thời gian qua tiếp tục nhận được những phản ánh của khách hàng về những thông tin tuyển dụng liên quan đến người mạo nhận là nhân viên Tiki.

Các nhóm đối tượng liên hệ ứng viên thông qua số điện thoại, email, thậm chí qua những trang fanpage mạo danh Tiki để mời tham gia làm cộng tác viên đặt đơn hàng nâng cao khối lượng giao dịch, làm việc online trên điện thoại, đầu tư hợp tác… và yêu cầu người tham gia phải đóng một mức phí.

Ngoài ra, Tiki còn phát hiện nhiều trang sử dụng hình ảnh và mạo danh Tiki: Tiki Agency I, II, III, IV, Tiki VIP 2022, Tiki Asia… "Đây hoàn toàn là hình thức mạo danh sàn thương mại điện tử để lừa đảo và lợi dụng tín nhiệm", đại diện Tiki khẳng định.

Hãng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như trên các kênh truyền thông chính thống thuộc sở hữu của Tiki, khẳng định: Tiki không có hình thức tuyển cộng tác viên đặt đơn hàng để nâng cao thứ hạng nhà bán, chia sẻ hoa hồng, kêu gọi đầu tư hợp tác...

Trước đó, sàn thương mại điện tử Amazon cũng đưa ra khuyến cáo về Amazon Global Selling nhận được các báo cáo lợi dụng tên tuổi Amazon hoặc mạo nhận là nhà tuyển dụng của Amazon liên hệ với ứng viên, mời tham gia làm việc và yêu cầu đóng một mức phí đăng ký.

Theo Amazon, hành động này là hành vi lừa đảo và không có mối liên hệ nào với Amazon hoặc nhà tuyển dụng của Amazon.

"Các nhà tuyển dụng của Amazon liên hệ với ứng viên - dù là qua tin nhắn, cuộc gọi hay email - sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký hoặc yêu cầu mua hàng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng ứng viên", Amazon tuyên bố.

Đồng thời Amazon đưa ra lời khuyên người dùng không nên phản hồi với bất kỳ yêu cầu nào như yêu cầu đóng phí, yêu cầu thông tin ngân hàng, yêu cầu mua hàng...

Các sàn thương mại điện tử khác như Shopee, Lazada, Sendo... trước đó cũng lên tiếng và đưa ra khuyến cáo với người dân tránh bị lừa đảo.

Nhận diện chiêu trò lừa đảo

Trung tá Lê Ngọc Minh cho rằng, thực tế, chiêu trò lừa đảo thông qua những lời mời gọi dưới dạng tuyển cộng tác viên bán hàng online đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, nhưng thời gian gần đây, chiêu bài bắt đầu nở rộ trở lại... Các đối tượng lừa đảo nhắm đến những nạn nhân là phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, đang nuôi con nhỏ, giáo viên, công nhân, cán bộ… muốn làm thêm để trang trải cuộc sống trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Nhiều người dân tin lời "nhà tuyển dụng của sàn thương mại điện tử" đã nộp vào tài khoản theo hướng dẫn với mong muốn có việc làm. Chiêu trò phổ biến nhất là cộng tác viên sẽ thanh toán đơn hàng trước cho công ty, sau đó mới nhận tiền gốc cộng thêm chiết khấu.

Những đơn hàng số tiền nhỏ ban đầu nạn nhân luôn được nhận đầy đủ, nhưng khi giá trị lớn hơn thì mãi không nhận được tiền, lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa đảo.

Do đó, người lao động được khuyến cáo hết sức cảnh giác trước những thông tin tuyển dụng có mức thu nhập quá cao nhưng thông tin người tuyển dụng lại không rõ ràng. Để tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân, người tìm việc nên đến những địa chỉ giới thiệu việc làm tin cậy.

Toàn cảnh - Sập bẫy lừa đảo trên mạng: Chiêu trò phổ biến và hồi chuông cảnh báo (Hình 2).

Trang Web giúp người dùng Việt nhận diện các phương thức lừa đảo trực tuyến.

Bên cạnh đó, mọi người có thể truy cập vào Dauhieuluadao.com, website cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình, giúp người dân nhận biết các phương thức lừa đảo rất phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới, cũng như các “nguyên tắc vàng” trong hành xử để tự ngăn chặn.

Trang web được xây dựng dựa trên Scamspotter.org, một dự án kết hợp giữa Google và Mạng lưới hỗ trợ an ninh mạng Hoa Kỳ (Cybercrime Support Network).

Riêng với Dauhieuluadao.com, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) hợp tác cùng Google để bản địa hóa một số nội dung, đồng thời xây dựng, bổ sung các tình huống lừa đảo điển hình thường xảy ra với người dân Việt Nam.

Website cũng được NCSC tích hợp vào Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ https://khonggianmang.vn/ để người dân dễ dàng sử dụng và tra cứu khi cần thiết.

 

Minh Hoa

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/sap-bay-lua-dao-tren-mang-chieu-tro-pho-bien-va-hoi-chuong-canh-bao-a10961.html