Nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên, học sinh lên trên hết

20/11/2022 09:31

Nghề giáo hiện nay có nhiều áp lực, nhà trường cần tạo môi trường giáo dục tốt, đặt quyền lợi giáo viên và học sinh lên trên hết.

z38911840544184ee7cc2f33ca44a1deae0d4a0ec78399-1668870667.jpg
 

Trước thực trạng nhiều nhà giáo xin nghỉ việc, PV  có cuộc trò chuyện cùng Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du Tp.HCM. Thầy Phú cho rằng, thầy cô cần được tạo điều kiện tối đa để giảng dạy tốt hơn.

Cần đặt quyền lợi giáo viên lên trên hết

PV: Trong bối cảnh có nhiều giáo viên nghỉ việc vì cho rằng áp lực nghề nghiệp cao, thầy đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Thầy Huỳnh Thanh Phú: Phải nói rằng, đầu năm học 2022-2023, khi thực hiện đồng thời cùng một lúc hai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở khối 10 và chương trình giáo dục phổ thông cũ ở khối 11, 12, sẽ có chuyện thầy cô cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã gần hết học kỳ 1, chúng tôi nhận thấy không có gì khó khăn. Thực tế, chỉ thay đổi sách giáo khoa, còn phương pháp giảng dạy tương tác với học sinh, cách tổ chức giờ học, thay đổi kỹ năng cho học sinh thì thầy cô trong trường làm rất tốt.

Nói về áp lực công việc nghề giáo, tôi cho rằng, do nhìn nhận riêng của từng giáo viên, còn công việc thì vẫn thực hiện theo phân công, theo giờ hành chính mỗi ngày nên không có gì nặng nề.

Tuy nhiên, trên cương vị là người đứng đầu nhà trường, tôi cho rằng, áp lực của thầy cô phần nhiều do nhà trường, chứ không phải do cơ chế. Hiệu trưởng phải linh động triển khai các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thầy cô, phải biết được năng lực làm việc từng thầy cô, từ đó phân công khối lượng công việc phù hợp, khoa học…

Giáo dục - Nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên, học sinh lên trên hết

Thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ về trăn trở của ông về nghề giáo hiện nay.

Chúng ta phải biết sắp xếp thời khóa biểu một cách khoa học, làm sao thầy cô có thời gian làm thêm công việc khác khi rảnh rỗi, nhằm tăng thu nhập, giảm áp lực về tài chính cho thầy cô.

PV: Giải bài toán áp lực nghề giáo cho các giáo viên, là Hiệu trưởng một ngôi trường theo mô hình tiên tiến tại Tp.HCM, thầy chọn phương pháp nào?

Thầy Huỳnh Thanh Phú: Tôi cho rằng, nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên lên trên hết. Muốn vậy, lãnh đạo nhà trường phải đối xử với giáo viên tốt, phải tạo cơ hội để làm sao cho thầy cô và lãnh đạo nhà trường trên dưới một lòng thì công tác giảng dạy mới được tốt.

Tôi cũng luôn mong rằng, giáo viên đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết. Chúng ta có đan xen như vậy, mới chia sẻ hết tình cảm với nhau. Thầy cô xem nhà trường như gia đình, thì mọi người trong trường đều cư xử chan hòa, tạo bầu không khí vui tươi, lúc đó làm việc hiệu quả, mang lại nguồn năng lượng tích cực cho học sinh. Chúng ta không nên tạo bầu không khí căng thẳng, vội vã, áp lực... tạo không khí nặng nề với giáo viên và học sinh.

Giáo dục - Nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên, học sinh lên trên hết (Hình 2).

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du trong một sự kiện tổ chức tại trường.

Ngoài ra, khi có sự cố về bạo lực học đường xảy ra, thì hiệu trưởng phải là người đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm về sự cố đó chứ không thể đẩy cho giáo viên bước ra ngoài để đôi co, đương đầu với một phụ huynh nào đó.... Hiệu trưởng phải bản lĩnh, có trách nhiệm, để cho thầy cô an tâm trong những sự cố xảy ra. Chúng ta làm như vậy để gánh bớt khó khăn cho thầy cô, không tạo áp lực cho thầy cô.

PV: Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển hiện nay, nghề giáo được phát huy tối đa nhất là trong dạy học, điều gì khiến ông trăn trở nhiều nhất?

Thầy Huỳnh Thanh Phú: Công nghệ thông tin ngày nay giúp thầy cô linh hoạt vận dụng hiệu quả cao. Nhưng có một vấn đề mà tôi luôn trăn trở là hiện nay, làm sao Bộ Giáo dục và Đào tạo có nguồn ngân sách tạo cho mỗi thầy cô một máy tính xách tay để giảng dạy. Vì nó là tư liệu giảng dạy. Hiện, nhiều thầy cô chưa có đủ kinh tế để tự trang bị cho mình một máy tính xách tay. Nếu trang bị cho thầy cô phương tiện giảng dạy tốt, sẽ giúp lan tỏa tốt không chỉ trong giáo dục mà cả trong lĩnh vực, kinh tế văn hóa, xã hội.

Nghề giáo phải kiên nhẫn, bao dung, nhẹ nhàng

PV: Theo thầy, nhà giáo cần phải xử lý học sinh cá biệt như thế nào nhằm uốn nắn kịp thời các em? 

Thầy Huỳnh Thanh Phú: Việc học sinh cá biệt thì thời đại nào cũng có trường nào cũng có. Tuy nhiên, theo tôi, trước hết thầy cô phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao học sinh có những hành vi cá biệt. Tôi cho rằng, nghề giáo phải có sự kiên trì, kiên nhẫn, và phải bao dung, nhẹ nhàng. Khi một vấn đề xẩy ra đối với học sinh, người thầy, người cô cần bình tâm thì tâm mình tịnh, tuệ mình sáng, trí mình mới thông, lúc đó, giải quyết vấn đề rất nhẹ nhàng.

Bởi vì, thứ nhất học trò là bậc con, em, là học trò của mình thì mọi vấn đề nhìn nhận cần thoáng hơn. Mình cần "giơ cao đánh khẽ", không đẩy các em vào đường cùng. Hoặc khi có sự cố, không nên ra một quyết định gì đó nặng nề, để rồi từ đó, cuộc đời của em đó trở nên bế tắc.

Tại trường tôi, đa số học sinh ngoan, nên hiếm có tình huống cá biệt của học trò xảy ra, có thể nói là từ trước đến nay chưa có. Chỉ có một số em đi học trễ nhiều lần, qua tìm hiểu nguyên nhân, cuối cùng nhà trường đã uốn nắn, chỉ bảo cho các em khắc phục, đó chỉ là vi phạm thường nhật học trò.

Giáo dục - Nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên, học sinh lên trên hết (Hình 3).

Học sinh được chia sẻ dạy dỗ tốt sẽ trở nên chăm ngoan.

Trên quan điểm của tôi, học trò là phải chia sẻ dạy dỗ, để cảm thông rồi từ đó giúp các em kìm hãm tính hung hăng, lười học tập.

PV: Ngày nay, với câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn”, theo thầy có còn phù hợp để dạy học sinh?

Thầy Huỳnh Thanh Phú: Dù câu này xuất phát từ xa xưa, nhưng tôi cho rằng thời đại nào trong ngành giáo dục câu đó vẫn đúng. Nếu chúng ta không tôn trọng nhau, thầy không thương yêu trò, trò không tôn kính thầy, làm sao giờ giảng tương tác diễn ra hiệu quả?.

Theo tôi, câu này đúng mãi mãi. Tôi cho rằng, “lễ” là nghi thức giao tiếp lịch sự cần có giữa người nhỏ với người lớn, giữa con người với nhau, “lễ” làm cho trật tự lớp học, xã hội ổn định. Thầy không thể giảng mà học trò nhảy tung tăng, không thể trò nói mà thầy cô bỏ ngoài tai. Giao tiếp sư phạm hết sức cần thiết. Dù cho công nghệ số phát triển, tôi nghĩ câu tục ngữ vẫn như một chân lý trong môi trường giáo dục.

Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!

 

Nguyễn Lành
Bạn đang đọc bài viết "Nhà trường phải đặt quyền lợi giáo viên, học sinh lên trên hết" tại chuyên mục Tin tức. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com