Giá xăng dầu tăng phi mã đẩy CPI tháng 2/2022 tăng 1,42%

28/02/2022 19:28

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68%, lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng năm 2022 tăng 0,67% so với cùng kỳ 2021.

Ngày 28/2, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022.

CPI 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68%

Số liệu thống kê từ báo cáo cho thấy, CPI tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,2% so với tháng 12/2021 và tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Theo lý giải từ Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến CPI tháng 2/2022 tăng là do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá. Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,35, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,92%, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,51%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,22%,…

Đối với riêng hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm này tăng chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết tăng cao. Trong đó, Thực phẩm tăng 1,69%, Ăn uống ngoài gia đình tăng 1,68% và lương thực tăng 0,35%.

Ở chiều ngược lại, nhóm giảm duy nhất là chỉ số đô la Mỹ giảm 0,28%. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 22.900 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 2/2022 giảm 0,28% so với tháng trước do nguồn cung đảm bảo; giảm 0,84% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước giảm 0,79%.

 

Cũng theo báo cáo, lạm phát cơ bản tháng 2/2022 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng năm nay tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá vàng trong nước tăng biến động cùng chiều với giá vàng thế giới khi lạm phát các quốc gia tăng cao và lo ngại ảnh hưởng của giao tranh giữa Nga – Ukraine. Tính đến ngày 24/2/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.862,3 USD/ounce, tăng 2,4% so với tháng 1/2022.

Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng trong ngày Thần tài, Lễ Tình nhân 14/2 làm chỉ số giá vàng tháng 2/2022 tăng 1,85% so với tháng trước; tăng 1,53% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 0,72%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP giảm 12,4%

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2022 ước tính giảm 12,4% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành khai khoáng giảm 4,1%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10%; sản xuất và phân phối điện tăng 8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,8%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,8%).

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,4%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,5%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,44 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Bạn đang đọc bài viết "Giá xăng dầu tăng phi mã đẩy CPI tháng 2/2022 tăng 1,42%" tại chuyên mục Tin tức. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com