Doanh nghiệp BOT thời dịch: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra...”

21/08/2021 15:37

Tuy cùng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song các doanh nghiệp BOT giao thông lại ghi nhận kết quả kinh doanh trái ngược nhau.

Thu không đủ bù chi

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục đường bộ Việt Nam về số tiền thu phí trong 6 tháng đầu năm 2021 của 62 trạm thu phí BOT trong cả nước cho thấy, trong 2 quý đầu năm doanh thu thu phí BOT đạt gần 5.089 tỷ đồng, với 86.390.526 lượt xe lưu thông qua các trạm.

Theo đó, nếu trong quý 1/2021 số thu của các trạm là hơn 3.318 tỷ đồng, với 60.111.727 lượt xe lưu thông thì sang đến quý 2/2021, số thu của các trạm đã giảm gần một nửa khi chỉ đạt hơn 1.770 tỷ đồng với 26.278.799 lượt xe lưu thông.

Cụ thể, trong quý 2 năm nay, doanh thu các tháng giảm dần theo diễn biến phức tạp của đại dịch, với doanh thu tháng 4 đạt 1.179 tỷ đồng, tháng 5 là 1.035 tỷ đồng và tháng 6 thu gần 920 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu phí BOT tháng 7 chưa được công bố, song cũng được dự đoán không mấy khả quan khi các trạm BOT trên địa bàn 19 tỉnh phía Nam, các trạm thu phí BOT thuộc địa bàn Hà Nội dừng thu phí để phòng chống dịch. 

Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh BOT ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong nửa năm nay.

Hồ sơ doanh nghiệp - Doanh nghiệp BOT thời dịch: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra...”

Nhiều trạm BOT phải dừng thu phí để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Hữu Thắng.

Điển hình là Công ty Cổ phần Tasco (mã chứng khoán: HUT) của Chủ tịch Phạm Quang Dũng khi ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong 5 quý liên tiếp. Cụ thể, trong quý 2/2021, Tasco ghi nhận doanh thu đạt 226 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước.

Song, chi phí lãi vay đè nặng cùng chi phí bán hàng tăng gấp 12 lần trong quý khiến doanh nghiệp này ghi nhận khoản lãi ròng lên đến 49 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm của của Tasco âm đến 73 tỷ đồng, tăng đột biến so với khoản lỗ 9,2 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020.

Đáng chú ý, trong năm 2021, Tasco đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là âm 100 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau nửa năm đơn vị đã chạm ngưỡng 73% "kế hoạch lỗ".

"Nguyên nhân khiến công ty lỗ nặng trong quý này là do chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng tại Công ty TNHH thu phí tự động VETC – thực hiện dự án xây dựng hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên”, ban lãnh đạo Tasco cho biết.

Bên cạnh đó, tác động nặng nề của dịch Covid-19 khi phải dừng hoàn toàn việc thu phí BOT tại một số địa phương cũng tác động lớn đến sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp.

Cùng cảnh ngộ với Tasco, CTCP BOT Cầu Thái Hà (mã chứng khoán: BOT) - chủ đầu tư dự án BOT Xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng (nằm trên đoạn đường nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) cũng ghi nhận 10 quý lỗ liên tiếp.

Tuy doanh thu ghi nhận tăng trưởng 30,6% so với cùng kỳ đạt 7 tỷ đồng, song sau khi trừ chi phí, công ty vẫn gánh khoản lỗ 22,2 tỷ đồng. Như vậy, lỗ luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021 của doanh nghiệp BOT này lên đến 43,3 tỷ đồng.

Số tiền lãi phải trả trong chi phí tài chính là do công ty còn ghi nhận nợ phải trả 1.001 tỷ đồng (tăng 15 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm).  Gánh nặng chi phí tài chính cũng là vấn đề lớn nhất khiến BOT cầu Thái Hà thua lỗ liên tục. Tính đến 30/6/2021 BOT Cầu Thái Hà đã lỗ lũy kế hơn 236 tỷ đồng.

Giải trình về tình hình kinh doanh kém khả quan trong nửa đầu năm 2021, ban lãnh đạo BOT Cầu Thái HÀ cho biết, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến lưu lượng xe giảm đáng kể và công ty thực hiện theo phương pháp tính khấu hao tài sản trong kỳ theo lưu lượng xe thực tế chạy qua trạm thu phí.

Hồ sơ doanh nghiệp - Doanh nghiệp BOT thời dịch: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra...” (Hình 2).

Nhiều “đại gia” BOT vẫn ghi nhận lãi

Dù mảng kinh doanh BOT vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, lỗ chồng chỗ. Song vẫn có những doanh nghiệp “sống khoẻ” trong đại dịch, thậm chí thu lãi lớn so với cùng kỳ năm trước.

Trong số đó không thể không nhắc đến Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) khi báo lãi ròng 6 tháng đầu năm gấp 5 lần so với cùng kỳ.

Trong quý 2/2021, ghi nhận doanh thu gần 430 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 78 tỷ đồng, lần lượt tăng 75% và 68% so với cùng kỳ.

Luỹ kế doanh thu nửa đầu năm tăng 44%, đạt 793 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 56,2%, tăng gần một điểm phần trăm so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế xấp xỉ 138 tỷ đồng và gấp hơn 5 lần giai đoạn này năm ngoái.

Ban lãnh đạo Đèo Cả cho biết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ doanh thu vận hành của các trạm thu phí BOT (chiếm 90% tổng doanh thu). Ngoài ra, kết quả hợp nhất cũng ghi nhận lãi từ công ty liên kết, thu nhập khác từ thanh lý tài sản.

Tuy không tăng trưởng mạnh như Đèo Cả, nhưng CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng Idico (mã chứng khoán: HTI) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý 2 đạt 109 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đi ngang, đạt 14,6 tỷ đồng.

Hồ sơ doanh nghiệp - Doanh nghiệp BOT thời dịch: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra...” (Hình 3).

BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc, TP. HCM là một trong những dự án BOT của CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Idico

Cơ cấu doanh thu quý 2 bao gồm gần 96 tỷ đồng từ thu phí đường bộ, tăng 7,2 tỷ đồng so với cùng kỳ, và hơn 13 tỷ đồng doanh thu xây lắp (cùng kỳ bằng 0). Mảng thu phí đường bộ cũng là mảng mang lại phần lớn lợi nhuận gộp cho HTI, với 51,7 tỷ đồng còn mảng xây lắp hầu như không phát sinh lãi gộp.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021 HTI đạt 206 tỷ đồng doanh thu, tăng 15,7% so với nửa đầu năm ngoái và hoàn thành một nửa kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đi ngang, đạt gần 29 tỷ đồng, cùng thực hiện được xấp xỉ 52% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Trước tình trạng hàng loạt dự án BOT dừng thu phí, dự án trọng điểm dừng thi công, mới đây Hiệp hội các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI ) vừa có đề xuất gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về các giải pháp khẩn cấp "cứu" doanh nghiệp BOT…

Theo đó, VARSI đề nghị các cơ quan chức năng xem xét hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng BOT, hợp đồng vay tín dụng của các nhà đầu tư với cơ quan có thẩm quyền và với các tổ chức tín dụng ngân hàng đã ký trước đây với doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông được chậm thu và chậm nộp các khoản phí bảo hiểm xã hội của 6 tháng cuối năm 2021; có chính sách hỗ trợ người lao động đối với những trạm thu phí phải tạm dừng thu phí, dự án dừng thi công.

Chủ tịch VARSI cũng đề xuất cho giảm lãi suất các khoản vay, gia hạn thời gian, điều chỉnh phương án trả nợ gốc/lãi ngân hàng; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng; giảm giá thuê đất đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất;...

Ngoài ra, xem xét hỗ trợ giảm tiền điện cho các doanh nghiệp quản lý vận hành dự án giao thông, các công trường dự án thi công; Bổ sung luồng xanh cho công tác vận chuyển hàng hoá, vật tư vật liệu cho các dự án đang triển khai thi công, nhằm đáp ứng nhu cầu vật tư vật liệu.

Theo: Người Đưa Tin Pháp Luật

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp BOT thời dịch: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra...”" tại chuyên mục Đẹp 365. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com