Chùa Vĩnh Nghiêm nhận giữ miễn phí tro cốt từ chùa Kỳ Quang 2

09/09/2020 06:26

Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm nói nơi đây sẽ nhận giữ miễn phí toàn bộ tro cốt từ chùa Kỳ Quang 2 nếu thân nhân không muốn tiếp tục gửi tại đó.

Trao đổi với Zing, thượng tọa Thích Thanh Phong, Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Việt Nam, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm ở quận 3, TP.HCM, cho biết chùa sẵn sàng nhận giữ tro cốt từ chùa Kỳ Quang 2 nếu thân nhân không thay đổi địa điểm.

Việc tiếp nhận này được thực hiện miễn phí. Toàn bộ tro cốt chuyển từ chùa Kỳ Quang 2 sẽ được giữ ở khu vực đẹp nhất của tháp An Lạc.

Nhận giữ miễn phí

Theo thượng tọa Thích Thanh Phong, khi nghe thông tin nhiều người thân phản ứng với sự tắc trách trong việc giữ tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2, ông đã liên lạc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, mong được nhận giữ các tro cốt đang gửi ở chùa Kỳ Quang 2.

Ông cũng trao đổi với đại diện chùa Kỳ Quang 2, ngỏ ý giúp đỡ chùa giải quyết vấn đề và chia sẻ với bà con, giúp họ an lòng. Với không gian khoảng 10.000 ô, nhà chùa có thể tiếp nhận toàn bộ tro cốt từ chùa Kỳ Quang 2.

Thượng tọa Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Hiền Đức.

Khẳng định sẽ nhận giữ miễn phí, thượng tọa Thích Thanh Phong nói thân nhân có thể liên lạc với chùa Kỳ Quang 2 làm thủ tục nhận lại cốt, rồi mang giấy giới thiệu gửi cốt đến chùa Vĩnh Nghiêm.

Những tro cốt này sẽ được đặt tại tầng 2 của tháp An Lạc. Theo vị trụ trì, không gian này có thể chứa khoảng 2.400 hũ cốt, là vị trí đẹp nhất của tháp vì toàn bộ hệ thống tủ hiện đại được nhập từ Đài Loan.

Cũng theo chia sẻ của thượng tọa Thích Thanh Phong, chùa Vĩnh Nghiêm được hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng để nhập hệ thống lưu giữ tro cốt có gần 4.500 ô. Chùa không có niêm yết bảng giá cho việc gửi giữ tro cốt. Người thân muốn đặt hũ cốt ở vị trí nào thì công đức cho chùa.

Lưu giữ mã số trên máy tính

Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết nơi đây đã nhận giữ tro cốt từ lâu. Theo quy trình, gia đình người mất sẽ đăng ký, chọn vị trí đặt cốt rồi trình giấy báo tử của người mất và CMND của người thân đứng ra gửi tro cốt.

Nhà chùa sẽ cấp biên nhận ghi đầy đủ thông tin. Chỉ người nào đứng ra đăng ký gửi thì sau này mới có quyền xin nhận lại tro cốt về thủy táng hoặc các mục đích khác. Trường hợp người đứng tên trên biên nhận xuất cảnh hoặc qua đời thì phải ủy quyền cho người khác.

"Quy trình của nhà chùa chặt chẽ để đảm bảo an ninh trong việc gửi tro cốt. Chúng tôi cũng có quy trình quản lý bằng sổ, sơ đồ, mã số… Chùa cũng thực hiện việc lưu giữ các mã số hũ cốt vào sổ và trên hệ thống máy vi tính", thượng tọa Thích Thanh Phong chia sẻ.

Trong tháp cốt, mỗi tầng, mỗi kệ để các hũ cốt đều được ghi thứ tự theo chữ cái A, B, C… và đánh số 1, 2, 3… Mỗi hũ tro cốt được gửi vào đều có một mã số để thuận tiện cho việc quản lý.

Người thân đến thăm viếng chỉ cần nói tên người mất hoặc người gửi, ban điều hành sẽ hỗ trợ tìm vị trí đặt tro cốt. Toàn bộ đều được thực hiện thông qua hệ thống máy tính.

Khu vực lưu giữ tro cốt tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Hiền Đức.

Nếu di ảnh của hũ tro cốt bị mất hay bị mờ, bảng tên bị bong ra không xác định được danh tính, nhà chùa vẫn có thể truy ra thông tin dựa theo vị trí.

"Từ trước đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm chưa xảy ra tình trạng lộn xộn về gửi tro cốt, cũng chưa có trường hợp bảng tên bị bong ra. Chúng tôi có ban quản lý rất chặt chẽ. Người bình thường muốn vào cũng không được", vị trụ trì nói.

Rút kinh nghiệm từ câu chuyện không mong muốn ở chùa Kỳ Quang 2, thượng tọa Thích Thanh Phong cho rằng phải ràng buộc trách nhiệm dù nhận giữ có thu phí hay miễn phí. Các thủ tục đều phải được làm chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra. Thân nhân gửi vào phải lưu giữ biên lai cẩn thận. Trường hợp làm mất biên lai thì đối chiếu với sổ để chùa cấp phó bảng đúng với tên người đó.

Theo thượng tọa Thích Thanh Phong, đến một thời điểm nhất định, các chùa sẽ không thể tiếp tục nhận tro cốt vì quá tải. Do vậy, ông đã trình ý tưởng với giáo hội và kêu gọi một số doanh nghiệp để xin Nhà nước đầu tư một khu quy mô tầm cỡ quốc tế làm "chung cư" cho người quá cố. Ý tưởng này sẽ giúp đảm bảo an toàn trong việc lưu giữ tro cốt và tiết kiệm tài nguyên đất cho Nhà nước.

"Phật tử, người dân đừng quá đặt nặng việc tro cốt nhất thiết phải gửi ở chùa vĩnh viễn hay nhiều năm thì người mất mới được siêu thoát. Chúng ta hãy xem tro cốt như một di vật của người mất để lại. Nếu muốn người mất sớm đạt an vui cực lạc thì người còn sống hành thiện, tích đức cho mình và cho người thân quá cố", thượng tọa Thích Thanh Phong chia sẻ.

Hoài Thanh
Bạn đang đọc bài viết "Chùa Vĩnh Nghiêm nhận giữ miễn phí tro cốt từ chùa Kỳ Quang 2" tại chuyên mục Xã hội. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com