Âm nhạc Indie, giai điệu âm thầm mà bùng nổ trong giới trẻ

18/11/2020 17:33

Trong thời gian gần đây, dòng nhạc Indie đang phủ sóng khắp nơi. Nối tiếp dòng chảy từ nước ngoài như giai điệu của Bud, Gotye… thì âm nhạc Việt Nam cũng đang ngày càng nhiều màu sắc mới như Cá hồi hoang, Ngọt, Vũ,…

Giới trẻ say đắm với âm nhạc kiểu mới

Xuất phát từ “Independent” (độc lập), dòng nhạc Indie là xu hướng âm nhạc được tạo nên từ các nghệ sĩ sáng tác, trình diễn độc lập mà không phụ thuộc vào công ty quản lý, chiến lược truyền thông. Nét độc đáo của chính là giai điệu bắt tai, mới lạ và chạm đúng nhịp thở của giới trẻ. Chính điều đó giúp họ được đón nhận từ khắp các quán cà phê đến các đêm nhạc tự tổ chức mà hiếm khi cần đến quảng bá rầm rộ. Hay nói cách khác, họ tách mình khỏi nền công nghiệp âm nhạc để bộc lộ cá tính âm nhạc của chính mình theo cách trọn vẹn nhất.

Phổ biến nhất trong cộng đồng nghệ sĩ độc lập chính là phát hành ca khúc qua mạng xã hội, nhất là 2 trang nghe nhạc trực tuyến Soundcloud và Spotify. Cũng có một số trường hợp, người nghệ sĩ muốn bán đĩa của mình thay vì tung ra miễn phí. Khi đó, họ sẽ phải tự tìm nhà in, xưởng đĩa, đơn vị phát hành… nhưng không hề ồn ào như các ngôi sao lớn.

Trên thế giới, nhiều nghệ sĩ của dòng nhạc Indie đã chinh phục khán giả rất thành công như Gotye với ca khúc “Somebody that I used to know” hay Diana Vickers qua nhạc phẩm “The boy who murdered love”. Nhìn sang châu Á, nền công nghiệp Hàn quốc cũng đang dè chừng với các nghệ sĩ độc lập như Nell, Urban Zakapa,…

Còn tại Việt Nam, Lê Cát Trọng Lý chính là một nghệ sĩ Indie được nhiều người yêu mến, thậm chí trở thành một hiện tượng đại chúng qua các buổi biểu diễn mang màu sắc riêng, đậm chất nữ tính. Tuy nhiên, trong năm 2017 vừa qua, làng nhạc Indie lại là sân khấu của các chàng trai.

Ban nhạc Cá hồi hoang luôn giản dị, không chạy theo xu hướng.

Trong đó, được ví như “The Beatles của Việt Nam”, những bản nhạc réo rắt của nhóm nhạc Ngọt đang đi xuyên đường hầm nhạc trẻ bằng những sắc màu tụng ca tuổi thanh xuân tươi rói, phập phồng qua các ca khúc như: Xin cho tôi, Em dạo này, Cho, Kho báu, Kẻ thù, Bartender, Mèo hoang… Từ một nhóm nhạc mới mẻ thường biểu diễn tại các quán cà phê tại Hà Nội, các chàng trai của Ngọt như Trọng Thắng, Việt Hoàng, Chí Hùng và Nam Anh đã chinh phục khán giả cả nước, đặc biệt là “Ngbthg” (đọc là “Ngày bình thường”) tại TP.HCM.

Nếu nhóm Ngọt hay Da Lab khá quen thuộc với giới trẻ phía Bắc thì tại phương Nam, nhóm nhạc Cá hồi hoang đã trở thành thương hiệu nhạc Indie gần gũi với khán giả tại TP.HCM. Thành lập vào cuối năm 2013 với 2 thành viên ban đầu và chỉ một thời gian ngắn, nhóm nhạc Cá hồi hoang trình làng album đầu tay Chương II (2014) tập hợp 10 sáng tác với mục tiêu đơn giản để dành tặng bạn bè. Và như cơ duyên, giai điệu mộc mạc từ album đó cứ thấm dần vào đời sống tinh thần của giới trẻ TP.HCM và nâng bước cho các chú cá hồi thỏa sức đam mê.

Không chạy theo thị trường

Phong cách Indie đang dần chiếm thế thượng phong trong nền âm nhạc thế giới. Các nghệ sĩ Indie xuất hiện ngày càng nhiều. Họ nhanh chóng chiếm được nhiều tình cảm từ người hâm mộ và đang tạo nên “hiện tượng” trong đời sống văn hóa của giới trẻ. Nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng khi những ca sĩ thần tượng, ngôi sao trẻ có thể mang đến sự giống nhau, thì khán giả thích thú với âm nhạc Indie bởi những cá tính không na ná, hay đang có trên thị trường.

Nói về cách hoạt động của nhóm, thành viên Việt Hoàng của ban nhạc Ngọt cho hay: “Chúng tôi đi học, đi làm và chỉ chơi nhạc vào buổi tối. Âm nhạc với chúng tôi như cuộc chơi, nhưng đã chơi thì phải chơi cho tử tế. Nhiều nghệ sĩ hay nhóm Indie làm ra sản phẩm tung lên mạng rồi… để đó, còn chúng tôi lại muốn đi theo con đường có định hướng rõ ràng, tiếp cận khán giả gần gũi hơn”.

Ban nhạc Ngọt từ Hà Nội đang chinh phục khán giả cả nước.

Còn với ban nhạc Cá hồi hoang, từ mỗi đêm diễn nhỏ,  nhóm dần dần chiếm được trái tim và gom góp tình cảm từ người nghe để thực hiện album thứ 2 mang tên “Giấc mơ giấy” trong năm 2016. Album đã đánh dấu những thay đổi, già dặn hơn của nhóm. Hình ảnh các chàng trai trẻ tuổi có chút gì đó ngông nghênh nhưng cũng tràn trề tâm tư, tình cảm, nhiệt huyết đang nỗ lực vượt khó tựa như hình ảnh của chú cá hồi mạnh mẽ ngược dòng nước để quay trở về nơi mình được sinh ra đã in sâu ấn tượng với công chúng.

Hiện tại với 4 thành viên, tự chơi nhạc cụ, tự sáng tác và biểu diễn, nhóm nhạc Cá hồi hoang vừa thành công trong năm 2017 với dự án “Gấp” gồm album và tour diễn tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP.HCM. Liên tục khoảng 20 ca khúc gồm nhiều bài hát được yêu mến của ban nhạc như Nhà 9A, Ngày xa lắm, Lãng đãng, Khung trời xanh kia, Biết đâu, Thế nên, Cánh đồng, Hoàn hảo, Ai rồi cũng sẽ lớn lên... đã được khán giả khắp nơi đón nhận. “Nếu như khán giả ở Hà Nội thật nồng nhiệt thì khán giả ở Sài Gòn có phần sâu lắng hơn”, giọng ca Viết Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, từ ngày đầu thành lập cho đến nay, có một nguyên tắc bất di bất dịch mà nhóm luôn giữ, đó là không thỏa hiệp với khán giả. “Những người tìm đến với chúng tôi, họ thích sự mới mẻ, giản dị chứ nhóm không chạy theo xu hướng để chiều lòng họ. Trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, chúng tôi đều giữ quan điểm đó…”, trưởng nhóm Thanh Minh nhấn mạnh.

Song song đó, nhóm Ngọt cũng có suy nghĩ khá khác biệt. Gần bốn năm hoạt động, các thành viên khẳng định họ không chơi nhạc để kiếm tiền mà là nơi những người trẻ gặp gỡ, nói lên suy nghĩ. Trưởng nhóm Trọng Thắng lý giải: “Chúng tôi đặt tên nhóm chỉ một từ vì thích, không muốn lẫn với những cái tên nửa tây nửa ta".

Con đường độc lập liệu có lâu dài?

Tuy nhiên, con đường độc lập chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với văn hóa văn nghệ. Tự làm mọi thứ cho mỗi sản phẩm hay tour diễn, với nhóm Cá hồi hoang, lợi nhuận thu được đều được dành để tái đầu tư cho âm nhạc. Cả 4 thành viên đều có công việc khác nhau như bác sĩ, biên kịch hay nhân viên văn phòng. “Điều mong mỏi nhất của chúng tôi là có một quỹ hoạt động ổn định để anh em chơi nhạc mà không mất thêm tiền cá nhân”, quản lý Thanh Phước cho hay.

Ban nhạc Cá hồi hoang trưởng thành qua từng đêm diễn tại các quán cà phê.

Chính vì thế, từ nửa cuối năm 2017, đang có hiện tượng các nghệ sĩ Indie thỏa hiệp với ca sĩ chuyên nghiệp. Sau khi ca sĩ Min tạo được hiệu ứng với nhạc phẩm “Hôn anh” của Trang, một nghệ sĩ độc lập thì các đàn anh đàn chị như Uyên Linh, Trung Quân Idol, Đinh Hương,… cũng nhảy vào xu hướng. Điều đó là dễ hiểu vì khi thị trường âm nhạc dần trở nên bão hòa với những ca khúc sớm nở tối tàn thì dòng nhạc Indie đậm chất sáng tạo và mang hơi thở từ chính khán giả lại càng khẳng định được dấu ấn “độc nhất”.

Trước hiện trạng đó, có ý kiến cho rằng nếu nghệ sĩ Indie chấp nhận bán ca khúc cho ngôi sao thì ca khúc đó không còn là Indie nữa. Thế nhưng, tinh thần âm nhạc Indie vốn dĩ không phụ thuộc vào ca khúc mà do chính nghệ sĩ tạo nên. “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến sự cạnh tranh trong âm nhạc”, quản lý Thanh Phước của ban nhạc Cá hồi hoang cho biết thêm. Cũng xoay quanh điều này, thành viên Việt Hoàng của ban nhạc Ngọt nói: “Show diễn có nhiều đi nữa, Ngọt vẫn luôn giữ tiêu chí hoạt động cốt lõi là tự sáng tác, chơi nhạc theo kỹ năng, cá tính của nhóm. Ngọt không quan trọng chuyện bước chân vào showbiz, bảng xếp hạng, giải thưởng nọ kia. Với Ngọt, âm nhạc là cuộc chơi, mà chơi là vui rồi”.

Giữa đời sống âm nhạc ngày càng đa dạng và phát triển, âm nhạc Indie vẫn tồn tại và tạo ra những bản nhạc đại chúng, thể hiện sự giao thoa giữa hai nhóm âm nhạc để cộng hưởng lẫn nhau. “Có lẽ đã đến thời điểm, nghệ sĩ Indie phải đấu tranh là còn theo đuổi sự độc lập nữa không, hay là tham gia vào showbiz, nơi mà họ từng không thích. Cuộc sống sẽ trả lời câu hỏi đó. Nhưng dù sao chăng nữa, nghệ sĩ Indie cũng từng là chính mình và chúng ta thì không nên quên điều này”, nhạc sĩ Dương Thụ bày tỏ.

Hà Nhân
Bạn đang đọc bài viết "Âm nhạc Indie, giai điệu âm thầm mà bùng nổ trong giới trẻ" tại chuyên mục Văn hóa - Giải trí. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com